Phong thủy cho cửa sổ nhà ở
Khi xây nhà, vị trí và kích thước cửa đi cũng được quan tâm nhiều hơn vì nó ảnh hưởng đến giao thông và sắp xếp nội thất. Thế nhưng các cửa sổ lại giữ vai trò chủ đạo trong việc thông thoáng, gia giảm luồng khí, đặc biệt khi cửa đi phải đóng kín vì lý do an ninh.
Không ít gia chủ băn khoăn về số lượng, tỷ lệ và kích thước cửa đi với cửa sổ thế nào cho phù hợp. Phong thủy không quy định bắt buộc về số lượng cửa trong mỗi nhà, mỗi gian phòng. Điều cốt yếu là sự tương quan giữa hệ thống cửa sổ, cửa đi với toàn thể không gian sử dụng. Nhà quá ít cửa sổ thì mang tính hướng nội, khép kín và tách biệt với ngoại cảnh. Ngược lại, nhà nhiều cửa sổ hay mở những mảng kính rộng thì tính hướng ngoại tăng, phù hợp với nơi tập trung đông người như phòng khách, làm cửa hàng, văn phòng kinh doanh… Do đó, phải căn cứ vào nhu cầu, mục đích sử dụng mà quy định số lượng, kích thước của cửa sổ.
Theo nguyên lý Âm – Dương, xét về mặt Tĩnh – Động thì những chỗ cần giao tiếp và thay đổi thường xuyên (Dương thịnh) nên có nhiều cửa sổ. Ví dụ như phòng khách, chỗ bán hàng, phòng ăn hay sinh hoạt gia đình (có thể khuất tầm nhìn từ ngoài vào nhưng phải hướng ra thiên nhiên). Còn đối với không gian cần sự tĩnh lặng (Âm thịnh) và riêng tư như phòng ngủ, phòng làm việc, vệ sinh… thì chỉ nên bố trí cửa sổ kích thước vừa phải và chủ động điều chỉnh được ánh sáng và tránh gió lùa.
Nên mở cửa sổ như thế nào?
Cửa sổ sát trần nhằm thoát luồng khí luẩn quẩn.
Làm cửa sổ là để mở ra, nó như đôi mắt không thể nhắm suốt hoặc… bên nhắm bên mở. Muốn vậy, hướng mở cửa sổ rất quan trọng. Thứ nhất, cửa sổ phải được mở về hướng gió tốt như nam, đông nam, tây nam và hướng ánh sáng ổn định (bắc, nam). Có khi hướng cửa chính của nhà là tây nhưng cửa sổ có thể mở được ở hướng bắc – nam bên hông thì nên tận dụng. Thứ hai, cửa sổ mở ra cần thu vào tầm nhìn, cảnh quan đẹp cho người sử dụng bên trong đồng thời lại tránh được người ngoài nhìn vào. Do đó không nên mở cửa sổ ở đầu giường hay thẳng cuối chân giường. Tốt nhất là chếch góc để giường ngủ nằm trong vùng khuất sáng, vừa thuận lợi cho bố trí đò đạc, vừa tránh hung khí tác động vào người nằm. Thứ ba, khi cửa đi phải đóng thì cửa sổ chính là miệng đối lưu không khí hữu hiệu, vì thế nên chú ý bố trí thêm các cửa sổ trên cao. Loại cửa này có ưu điểm là thoát luồng khí sát trần, tránh khí quẩn, giảm tầm nhìn ngoài vào, và bổ sung thêm được ánh sáng từ trên cao. Nếu các cửa sổ phòng mở đối diện thẳng hàng nhau, một dạng trực xung thì luồng gió vào phòng sẽ hút rất nhanh và khó bố trí vật dụng sinh hoạt ổn định. Khi đó, nên sắp xếp đồ nội thất theo cách che chắn, giấu đi sự bài trí “thẳng hàng”, có thể là một bức bình phong hay một bức mành, hoặc đặt thêm chậu cây và rèm cửa.
Trong phong thủy nhà ở, miệng dẫn khí (khí khẩu) của ngôi nhà là cửa chính, là cổng vào và cửa phòng. Nhưng với nhà chung cư, cửa sổ lại giữ vai trò quan trọng hơn. Với nhà vườn và biệt thự, việc bố trí cửa chính không đơn giản.
Cửa sổ trong nhà biệt thự và nhà vườn không dễ bố trí.
Cửa sổ cho nhà vườn – biệt thự
Thông thường ai cũng nghĩ đối với nhà vườn, biệt thự thì bố trí cửa sẽ dễ hơn nhà ống, nhà phố chật hẹp. Thế nhưng, chính do điều kiện thoải mái đó mà thiếu cân nhắc, tiết chế thì sẽ dẫn tới việc mở cửa tùy tiện, khó kiểm soát về an ninh, cũng như thu vào nhà nhiều yếu tố xấu của môi trường.
Một trong 5 điều kiêng kỵ của phong thủy xưa nay là nhà và cửa không tương xứng nhau. Với dạng nhà vườn theo kiểu truyền thống (cửa mở rộng suốt mặt nước) thì cần lưu ý cửa sổ nên mở ra hàng hiên hoặc mái hắt bao quanh bên ngoài, tạo một trường khí chuyển tiếp. Cửa tương ứng với mặt đứng nhà qua tương quan đặc – rỗng, sáng – tối, cao – thấp… và tương đồng hay tương phản giữa các cửa với nhau.
Trong điều kiện khí hậu Việt Nam, cửa sổ luôn cần được bảo vệ để tránh các xâm hại như có ô văng che mựa tạt nắng gắt, tạo gờ hắt nước, làm viền bệ hoặc viền quanh khung vửa, chỉ móc nước… Tùy điều kiện kinh tế mà ta có thể làm cửa nhiều lớp (loại cửa ngoài chớp, trong kính) để vừa nâng cao tính bảo vệ, vừa dễ dàng điều chỉnh nội khí theo biến đổi môi trường bên ngoài. Rèm hoặc các loại mành sáo, mái hắt, nan chớp… cũng khá quan trọng trong việc chỉnh ánh sáng, che chắn tầm nhìn, giảm tác dụng xung sát bên ngoài vào không gian nhà và tạo nét trang trí hài hòa với các thành phần khác của nội thất biệt thự như tường, sàn, trần và đồ gỗ.
Cửa sổ nhà chung cư
Dùng rèm cho cửa sổ là một giải pháp phù hợp.
Nhà ở tư nhân có thể dễ dàng bố trí, xoay, đảo cửa theo hoàn cảnh cụ thể để điều chỉnh khí khẩu. Nhưng đối với dạng căn hộ chung cư được xây dựng sẵn với các phần khung, kết cấu và cửa đều cố định thì việc điều chỉnh cửa trở nên khó khăn hơn. Do vậy, cần quan sát để nhận định Cát, Hung và tìm cách chỉnh lý bằng các thủ pháp “mềm”.
Do cửa chính của căn hộ thường là cửa nhỏ (khác với nhà phố hay nhà biệt thự thường là cửa lớn, rộng và cao) và thiết kế căn hộ khép kín nên tác động từ cửa đi không nhiều. Ngược lại, cửa sổ và các cửa phụ ra ban công, loggia, thường làm rộng và sử dụng nhiều hơn. Đối với chung cư cao tầng, cửa sổ trên những tầng cao phải thiết kế phù hợp đảm bảo an toàn (tránh va đập, áp lực gió ngang và giảm bức xạ nhiệt). Đối với các căn hộ trên cao, nhiều mặt thoáng, nắng chói và gió mạnh thì giải pháp dùng rèm hoặc bình phong là tốt nhất. Tùy thời điểm trong ngày, tùy mùa trong năm mà gia chủ kiểm soát mức độ mạnh – nhẹ của luồng khí bằng bình phong (gỗ, vải, kim loại, mây tre…). Ví dụ phòng ngủ có cửa sổ trổ về hướng tây nắng chói chang có thể gắn hệ cửa chớp lam nghiêng bên trong hoặc màn sáo để cản quang. Phòng ngủ vốn thuộc tính âm, độ sáng cần dịu, thông thoáng vừa đủ, có thể bổ sung lớp rèm vải dày bên trong để chủ động điều chỉnh ánh sáng.
Leave a Reply