Nên trồng hoa gì ở khu lăng mộ hợp phong thủy
Nên trồng cây rễ thẳng
Thời gian gần đây, nhiều gia đình có điều kiện đã tập hợp mộ của dòng họ trên một khu đất rộng và xây dựng thành khu lăng mộ gia tiên và trồng cây để tạo không gian kiến trúc. Theo ông Kiến Phong (Công ty Kiến trúc phong thủy Việt Nam), theo phong thủy âm trạch, việc trồng cây ở khu mộ phần tạo cảnh quan đẹp, mát mẻ, tươi tốt. Tuy nhiên, cây trồng ở khu vực này cần chọn những cây có ý nghĩa tốt lành, phù hợp. Vì vậy nên tìm hiểu ý nghĩa của cây định trồng rồi hãy quyết định.
Cây đại hoa trắng và đại hoa hồng hay được chọn nhất, bởi có vẻ đẹp thoát tục, thân cây trụi lá và những chùm hoa trên cao, tạo cảm giác linh thiêng, mênh mang trong không gian. Người xưa cho rằng, cây hoa đại có thể hút sinh lực từ bầu trời chuyển xuống cho đất và nước để khởi phát một cuộc sống viên mãn. Theo nhà Phật thì cây đại là cây thiêng trong hệ cây thiên mệnh (nghĩa là sinh khí, linh hồn của vũ trụ, trời đất).
Cây thông, cây tùng là biểu tượng cho sự hiên ngang, kiên tâm, giữ vững được phẩm chất cao đẹp, tượng trưng cho người quân tử, học rộng tài cao (ngay cả khi trước phong ba bão tố). Cũng có ý nghĩa tôn sùng người quá cố, ghi nhớ tấm gương người đi trước cho con cháu noi theo.
Cây tùng tán cao rộng, thân thẳng, được coi là loại cây cát tường, có ý tứ phúc lộc, trường thọ nên đón tài, đón lộc, mang tới phong thủy âm trạch tốt.
Cây hoa gạo được người xưa cho rằng có nhiều gai ở thân cây giống như những nấc thang bắc lên trời, là cái gạch nối giao hòa giữa cha trời và mẹ đất.
Cây xương rồng có sức sống mãnh liệt, trồng ở nghĩa trang với mong muốn người quá cố ở thế giới bên kia sẽ có cuộc sống khỏe mạnh.
Cây hoa sứ được coi là loài hoa cao quý, có khí chất khác với những loài hoa thông thường cũng hay được chọn trồng quanh khu mộ. Nhìn hoa như tưởng nhớ công ơn mà người đi trước.
Cây thiết mộc lan với sức sống mãnh liệt và ý nghĩa may mắn cũng hay được trồng ở quanh khu mộ.
Theo chuyên gia phong thủy Kiến Phong, ngoài những cây trồng trên, một số các loài cây bụi nhỏ có thể sống ở những nơi đất khô và ít được chăm tưới cũng thường được trồng quanh khu lăng mộ và bên trên mộ phần để tạo phong thủy của một ngôi mộ tốt như: Cỏ bụi nhỏ, dạ yến thảo, cỏ mượt (loại cỏ trồng ở sân bóng đá) trên mộ để không bị rậm rạp, tránh rắn chuột đào hang…
Chú ý là các cây được chọn trồng ở trồng cây ở khu mộ phần gia đình, hay nghĩa trang, khu lăng mộ nên trồng cây cân bằng, đối xứng, trái phải đều nhau – tượng trưng cho âm dương hòa hợp, phúc lộc song toàn. Không nên trồng cây lệch trái, hoặc lệch phải.
Có thể trồng cây phía sau mộ, tạo thành chỗ dựa vững chắc, ngụ ý hậu thế nhận được phúc ấm của tổ tiên, có quý nhân tương trợ. Nhánh cây, lá cây phải đâm ra ở phía trên phần mộ giống như che chở, ấm áp, phong thủy học gọi là “ấm cập hậu nhân”.
Đặc biệt chú ý, không nên trồng bất cứ cây gì quá gần mộ phần, đặc biệt là trên mặt mộ phần. Nếu trồng gần mộ chỉ nên trồng cây rễ cọc, không nên trồng cây rễ chùm vì rễ ăn sâu, lan rộng có thể phạm tới huyệt đạo, tạo thành thể “xuyên tâm sát”. Rễ cây mà xâm nhập vào phần xương cốt, hoặc để nước, rắn theo rễ xâm nhập vào mộ thì sẽ không tốt. Không nên trồng những cây có hình thù kì dị vì sẽ mang tới cảm giác hung hãn, đáng sợ cho mộ phần.
Trên mộ nên trồng hoa gì?
Hoa cúc là loại hoa được sử dụng nhiều trong tâm linh ở các nơi thờ cúng và cả ở nơi âm phần. Ảnh minh họa: TL
Theo chuyên gia phong thủy Kiến Phong trên bề mặt mộ, nếu muốn làm tươi đẹp mộ phần, có thể trồng một cụm hoa thân cỏ, có tuổi đời ngắn như: Hoa cúc, hoa tóc tiên, dạ yến thảo …
Hoa cúc vàng các loại được sử dụng nhiều trong tâm linh, từ chùa, đình, đền, miếu mạo, các nơi thờ cúng và cả ở nơi âm phần. Hoa cúc hương thơm phảng phất, đượm vẻ kính trọng, biết ơn sâu sắc của lớp trẻ với thế hệ đi trước. Màu hoa cúc vàng tạo điểm nhấn cuốn hút, rất mãn nhãn.
Ngày nay có những cây hoa thân cỏ khác nhập ngoại về như hoa tóc tiên (còn gọi là cỏ dây thép, tóc vệ nữ, hoa sao, dương leo…), có vẻ đẹp sang trọng, cánh mỏng mảnh mai, màu xanh dịu trồng trên bề mặt mộ mang lại vẻ tươi mát, sinh động, hấp thụ khí thải… Cây hoa dễ sống đất cát, nơi lạnh lẽo, giá rét, nhưng nhược điểm là không sống được ở nhiệt độ cao. Vì vậy chỉ trồng được 3 mùa, tới mùa hè tự lụi, hết mùa hè sẽ trồng lại.
Dạ yến thảo là hoa cỏ có rất nhiều dạng cánh như cánh trơn, cánh viền, ngôi sao hay 2 màu trên một hoa, loại rũ, loại leo… rất đa sắc màu. Thân thảo, mềm và buông rủ cành hoa có thể buông xuống, mềm mại và tự nhiên và để gia tăng số lượng nảy mầm thì bạn nên thường xuyên ngắt ngọn từ khi cây còn nhỏ. Khi cây già cỗi có biểu hiện lá nhỏ, cành gầy, sắc hoa không thắm, cần trồng ngắt ngọn trồng lại.
Ông Kiến Phong cũng lưu ý tuyệt đối không trồng các loại hoa hồng có gai, hoa tầm xuân… tuy hoa đẹp nhưng nặng và dễ ăn sâu vào mộ phần
Leave a Reply