Sự tích thần Tài và lý do bàn thờ Thần tài luôn ở sát đất
“Thường bàn thờ Thần Tài đặt ở góc nhà vì gắn liền sự tích Thần tài bị đánh đuổi, trốn vào trong góc nhà. Hiện nay, bàn thờ Thần tài thường để ở chân cầu thang hoặc gầm cầu thang, mà không cần phải theo hướng gì”
Thần tài là vị thần mang lại tiền bạc, của cải cho mỗi gia đình, nhất là những gia đình buôn bán hay kinh doanh, đều có bàn thờ Thần tài để cầu xin cho “mua may bán đắt”. Theo quan niệm dân gian, ngày vía Thần Tài mùng 10 tháng Giêng được xem là ngày mang may mắn nhất trong năm vì nó mở đầu cho một năm mới.
Khác với bàn thờ gia tiên hay bàn thờ ông Táo đặt ở nơi cao, kín đáo, thanh tịnh, yên tĩnh nhất trong nhà, bàn thờ Thần tài phải đặt tiếp âm, tức là sát đất (nền nhà),
Nguyên tắc chung khi đặt bàn thờ thần tài là không được đặt trên cao nhưng phải ở vị trí có thể quan sát hết sự ra vào của khách khứa. Bàn thờ thần tài phải tiếp âm, ở dưới đất, nếu ở nhà hay cửa hàng, phải để dưới tầng một, có thể gần cửa chính hoặc ở ban công.
Giải thích về vấn đề này, nhà nghiên cứu văn hóa, PGS.TS Nguyễn Thanh Tú cho biết, việc đặt bàn thờ Thần tài dưới đất trước hết là để phân biệt không gian cúng tổ tiên với không gian thờ Thần tài. Không gian cúng tổ tiên phải ở trên cao, Thần tài theo thuyết Thiên – Địa – Nhân là nở ra từ dưới đất.
Bàn thờ Thần tài phải đặt tiếp âm, tức là sát đất.
“Thường bàn thờ Thần Tài đặt ở góc nhà vì gắn liền sự tích Thần tài bị đánh đuổi, trốn vào trong góc nhà. Hiện nay, bàn thờ Thần tài thường để ở chân cầu thang hoặc gầm cầu thang, mà không cần phải theo hướng gì”, PGS.TS Nguyễn Thanh Tú cho hay.
Cũng nên lưu ý rằng, bàn thờ Thần tài, ông Địa tuy để dưới đất nhưng các vị này rất ưa chuộng sự sạch sẽ, sáng sủa. Vì vậy, trong quá trình thờ cúng, nên giữ cho các vị thần sạch sẽ bằng cách tắm rửa thường xuyên bằng nước sạch.
Sự tích Thần tài và tục thờ thần tài
Ngày xưa, có một lái buôn tên là Âu Minh, khi đi thuyền qua hồ Thanh Thảo, được Thủy Thần tặng cho một cô hầu gái tên là Như Nguyện. Âu Minh đưa Như Nguyện về nuôi trong nhà. Sự buôn bán từ ngày đó trở đi càng ngày càng phát đạt, chỉ trong vòng vài năm mà Âu Minh trở thành một nhà giàu có lớn.
Một hôm, vào Tết Nguyên đán, Âu Minh tức giận đánh Như Nguyện làm cô sợ hãi, chui vào đống rác trốn mất.
Kể từ đó, việc buôn bán của Âu Minh bắt đầu thua lỗ sa sút, chẳng bao lâu thì sạt nghiệp, trở nên nghèo khổ.
Người ta cho rằng, Như Nguyện là Thần tài. Lúc Âu Minh nuôi Như Nguyện trong nhà thì Thần tài ủng hộ nên làm ăn phát đạt. Tới khi Như Nguyện bị đánh rồi bỏ đi thì Thần tài không còn chiếu cố Âu Minh nữa nên làm ăn sa sút, thất bại.
Do sự tích này, người ta có tục kiêng cữ quét rác và hốt rác trong ba ngày Tết, sợ Thần tài không có chỗ ẩn trốn mà đi nơi khác thì việc làm ăn trong năm sẽ bị xui xẻo thất bại.
Cũng do sự tích này mà người ta lập bàn thờ Thần tài sát nền đất hay nền gạch, không đặt cao như các bàn thờ khác, và đặt ở góc nhà hay nơi hàng hiên.
Leave a Reply